Con cần biết gì về áp lực từ bạn bè?

Ngày đăng: 03/08/2020

Một bà mẹ có con học mẫu giáo chia sẻ câu chuyện: “Con trai tôi 5 tuổi, một ngày kia nằng nặc đòi mua balô Người Nhện giống của bạn cùng lớp. Bé không muốn mang chiếc balô xám đến trường mặc dù mới cách đây mấy tháng còn nài nỉ mẹ mua cho. Tôi hỏi nguyên do thì hóa ra là cậu bạn kia nói balô của con tôi trông chán phèo, và con tôi phải mua một cái ngầu hơn, có hình siêu anh hùng thì mới được tiếp tục cùng chơi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc con phải chịu áp lực từ bạn bè khi bước chân vào cấp 3, cấp 2 hay thậm chí là lớp 3. Nhưng từ mẫu giáo thì… Lẽ nào một đứa trẻ vẫn còn phải nắm tay mẹ đến trường lại có khả năng bắt những đứa khác phải nghĩ gì, mặc gì – và dọa nghỉ chơi nếu bạn nó không chịu làm theo?”

Theo tiến sĩ tâm lý Cynthia Langtiw thì khi trẻ con vào mẫu giáo hoặc lớp Một, chúng trở nên tự do hơn về mặt quan điểm và có thể sẽ tìm cách thuyết phục bạn bè thích cùng thứ với mình. Vấn đề thuyết phục này có thể là về vật chất (balô, đồng phục, tập vở đẹp) hay những vấn đề xã hội (chơi trò nào lúc giải lao, xem chương trình TV nào hay để tóc kiểu gì…) Vậy bố mẹ phải làm sao để con bảo vệ được sở thích của mình mà vẫn có nhiều bạn bè trong lớp?

Những chuyên gia về phát triển trẻ em đưa ra những chiến thuật khôn ngoan để giúp bạn loại bỏ áp lực ngay lập tức và duy trì tình trạng đó cả khi bé lớn hơn: Hãy giải thích cho con về khái niệm này Có những đứa trẻ rất nhạy cảm với áp lực từ bạn bè trong khi một số thậm chí còn không nhận ra được nó, nhưng dù sao thì bạn cũng cần dạy cho con biết áp lực đó là như thế nào để bé biết cách phản ứng.

Ví dụ, hãy giải thích rằng nếu có bạn nào trong lớp khoe đồ chơi hay hộp bút đẹp thì không sao; nhưng nếu sau đó lại bảo rằng: “Nếu không thích/ không có đồ chơi này thì không được chơi với bọn mình,” hoặc chọc ghẹo bạn khác vì mang hộp viết Hello Kitty như con nít mẫu giáo, thì việc đó là sai. Con cần hiểu rằng bạn bè chia sẻ đồ chơi hay ý tưởng mới với nhau thì rất vui, nhưng khi các bạn tìm cách chọc ghẹo hay thuyết phục con thay đổi sở thích thì đó là áp lực đồng lứa rồi đấy. Vậy con phải làm gì?

Trẻ con thường thuận theo áp lực đồng lứa vì muốn có bạn và cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Nhưng thật ra không phải thế, bạn hãy cho con biết rằng còn nhiều cách giải quyết khác. Ví dụ, bé có thể nói, “Mình không thích hộp bút có hình Hannah Montana đâu. Nhưng chị Hannah rất hay mang băng đô trong các buổi diễn, hay là mai mình cùng mang băng đô đỏ lấp lánh nhé.” Hoặc với sự tự tin, chính bé có thể tự tìm ra cho mình giải pháp mà bạn không ngờ tới, như con gái 6 tuổi của bạn tôi mới đây. Vào giờ tập vẽ, một người bạn cùng lớp yêu cầu bé vẽ hình con gấu bông màu hồng y hệt như của cô bé ấy: “Hãy vẽ giống vậy đi, để chúng làm chị em sinh đôi của nhau!” Thay vì chọn cách làm điều mà mình không thích, con gái bạn tôi trả lời, “Nếu mình vẽ một con khác, chúng có thể là bạn thân với nhau mà!” Vấn đề đã được giải quyết như vậy. Vun đắp sự tự tin cho con

Như ở ví dụ trên, những đứa trẻ tự tin thường ít bị bạn bè trong lớp lôi kéo hay tác động hơn. Vậy bạn hãy giúp con thoải mái với những sở thích của mình bằng cách thường xuyên cho bé cơ hội nêu ý kiến về những gì bé thích và không thích.

Lắng nghe con mà không phán xét – cho dù đó  là những chuyện trời ơi đất hỡi như là màu hồng đẹp hơn màu xanh hay bông cải có vị kinh hơn đậu – cũng sẽ giúp bé có đủ tự tin để nêu ý kiến và bảo vệ sở thích của mình khi chơi với bạn bè. Đề xuất một vài câu đáp trả Bên cạnh sự tự tin, bạn cũng cần giúp con biết cách phản ứng thật linh hoạt, nhẹ nhàng.

Nếu con trai bạn bị cười nhạo vì mang theo gối ghiền đi học, hay tập viết chữ trong cuốn vở có in hình mèo con, hãy giúp bé nghĩ ra một câu đáp trả thông minh (và nhã nhặn) và thực hành nó bằng cách đóng vai. Tiến sĩ Laura Zelinger, chuyên gia tâm lý trẻ em gợi ý bạn yêu cầu con giả vờ là đứa buông ra lời chọc ghẹo. Khi bé nhại lại câu “Hộp sữa của cậu là đồ cho trẻ con!” hãy trả lời bé bằng câu gì đại loại như, “Có lẽ vậy, nhưng nó rất ngon! Nếu mình mà là người làm ra hộp sữa này, mình sẽ cho in lên hộp hình một siêu anh hùng nào đó.”

Bạn cũng hãy dạy con những câu có thể hiệu quả trong mọi hoàn cảnh, ví dụ như “Để mình nghĩ xem đã” hay “Mình không thích thế đâu”… Có rất nhiều cách giúp bé đặt ra giới hạn mà không tạo ra phản ứng gay gắt. Bố mẹ hãy cùng con tìm ra cách “đương đầu” phù hợp và hiệu quả nhất nhé!

VIDEO GIỚI THIỆU

ĐĂNG KÝ THĂM QUAN TRƯỜNG

0968212327
0968212327