Dạy con đúng cách khi trẻ tranh dành đồ chơi

Ngày đăng: 19/01/2024

Trong suy nghĩ của người lớn, tranh giành đồ chơi là xấu nên khi thấy con tranh đồ với bạn, với anh chị em thì chúng ta thường ngay lập tức tách bọn trẻ ra, bảo con không được làm vậy và muốn con phải chia sẻ.

Nhưng để dạy con đúng cách, cha mẹ nên đặt mình vào suy nghĩ của một đứa trẻ, việc tranh nhau đồ chơi lại rất bình thường và đó là một phần tất yếu để con học hỏi cách chung sống và tương tác với mọi người. 

Từ trải nghiệm cụ thể của bản thân, trẻ sẽ tự mình nhận ra: Bạn A/ bạn B sẽ có phản ứng thế nào khi mình giật đồ? Bạn đánh mình thì mình nên làm gì? Bạn có đồng ý chơi món đồ khác và nhường mình món này không? Mình khóc toáng lên thì có lấy lại được món đồ kia không nhỉ? Đó là những bước chuyển rất quan trọng để trẻ tự điều chỉnh được suy nghĩ và hành vi của mình, từ đó ba mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng sống về sự quan tâm, chia sẻ với người khác.

Vậy, khi trẻ tranh giành đồ chơi với nhau, cha mẹ nên làm gì để dạy con đúng cách?

Đó là bình tĩnh quan sát, đừng can thiệp quá sớm. Nếu trẻ không đánh nhau hay gây ra hành động gì nguy hiểm, hãy cứ để cho chúng tranh giành và tự phân xử.
Khi con tranh giành đồ chơi với bạn, nếu đồ chơi là của bạn và con là người giành thì hãy giúp trẻ trả lại đồ cho bạn. Hãy cho con hiểu rằng ai là chủ sở hữu món đồ thì sẽ có quyền quyết định cuối cùng với món đồ đó. Ngược lại, nếu con bị bạn giành mất đồ chơi, hãy bảo vệ con, tách 2 bạn ra và giúp con lấy lại đồ của mình, sau đó hãy hỏi ý kiến con có muốn cho bạn mượn 1 lát không. Hãy dạy con về quyền sở hữu những món đồ của mình và tự quyết định xem có muốn chia sẻ không.



Phương pháp dạy con đúng cách là ba mẹ đừng vội quát mắng khi con tranh giành với bạn. Hãy tách 2 đứa trẻ ra mỗi góc riêng biệt, để con bình tĩnh rồi sau đó mới nói cho con hiểu con nên phải làm gì, học cách chơi chung và chia sẻ như thế nào.

"Nhà mình có 2 bạn nhỏ đều mới hơn 2 tuổi nên chuyện tranh nhau đồ chơi diễn ra như cơm bữa. Ban đầu mình cũng hay áp dụng luật ai lấy trước được dùng, rồi thấy hai đứa giành nhau là quát và bắt chúng dừng lại, đồ thì thường em bé hơn được cầm chơi. Kết quả là em bé thường hay ỷ vào đó để giành đồ của anh vô tội vạ, còn anh thì ấm ức khi những món đồ mình thích bị lấy đi nên vài lần cấu và đánh em rất đau. Sau lần đó, mình không can thiệp ngay lập tức khi 2 anh em giành đồ chơi nữa mà để bọn trẻ tự phân xử. Em giật được đồ xong thấy anh khóc thì vài phút sau lại đến đưa đồ chơi vào tay anh. Anh ôm chặt món đồ chơi mình thích nhưng thấy em khóc thì thương và đưa cho em rồi nói “Cho em này”, hoàn toàn tự nguyện.
Cha mẹ cũng nên thiết lập một số quy tắc như những món đồ riêng tư của con kiểu: gấu bông ôm đi ngủ, cặp sách, chiếc máy bay con thích nhất thì con được quyền chơi riêng, con có thể cho em và các bạn mượn nếu muốn, bố mẹ không can thiệp. Còn những món đồ chơi chung như sách truyện, bộ xếp hình, ô tô,... thì ai lấy trước được chơi trước, người kia muốn chơi phải hỏi xin ý kiến hoặc chờ đợi đến lượt.

Dạy trẻ kỹ năng sống là qua chính trải nghiệm của bản thân chứ không phải sự ép buộc, áp đặt của người lớn. Từ chuyện tranh giành đồ chơi, con có thể học được rất nhiều điều về ứng xử, về sự cảm thông, sẻ chia, về cách giải quyết vấn đề. Trao quyền cho con tự xoay sở, bố mẹ sẽ phải ngạc nhiên về sự sáng tạo và hiểu biết của bọn trẻ đó.
 

VIDEO GIỚI THIỆU

ĐĂNG KÝ THĂM QUAN TRƯỜNG

0968212327
0968212327