Nhận biết khủng hoảng tuổi lên ba để dạy con đúng cách

Ngày đăng: 23/05/2024

Có bao giờ các bố mẹ thấy con nhỏ vấp phải những tình huống như: bé nhà mình đang rất ngoan ngoãn, tự nhiên lại chán ăn, khó ngủ, cáu gắt và rất bám người thân. Các bé độ tuổi lớn hơn thì đột nhiên rất nhạy cảm, thích tự làm mọi việc, ương bướng không nghe lời người lớn, thậm chí có bạn còn thích nằm lăn ra ăn vạ nữa...

Những lúc trẻ thay đổi khác lạ như vậy chính là những lúc con đang gặp khủng hoảng về tâm lý. Mỗi giai đoạn phát triển ở từng độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ gắn liền với những nét tính cách mới được tạo ra để thích nghi với độ tuổi của mình và khi trẻ không kịp thích nghi, các nét tính cách đó sẽ dẫn đến giai đoạn khủng hoảng tâm lý ở trẻ. Do đó, ba mẹ cần sớm nhận biết được giai đoạn này có phương pháp dạy con đúng cách.

Giai đoạn khủng hoảng tuổi sơ sinh diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 tháng tuổi cho đến 2 tuổi, còn khủng hoảng tuổi lên 3 thường kéo dài từ khi trẻ 3 tuổi đến 4 tuổi rưỡi với mức độ và cường độ khác nhau phụ thuộc vào tương tác của người lớn trong môi trường của các bé. Nếu như chúng ta không hỗ trợ, giúp các bé có hành trang để vượt qua các mốc phát triển như thế, thì các bé có thể mắc kẹt mãi trong sự khủng hoảng đó, bé có thể sẽ trở nên sống khép kín, nội tâm, tự xây dựng vỏ bọc của riêng mình.

Bố mẹ có thể tham khảo những dấu hiệu trên đây để biết chính xác bé nhà mình có đang trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý không rồi từ đó sẽ dễ có những cách giáo dục trẻ giúp con vượt qua thời kì khủng hoảng nhé:

- Tiêu cực: Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn. Biểu hiện này thể hiện rất rõ khi trẻ còn trong thời kì sơ sinh, trẻ sẽ khóc nhiều hơn, gắt ngủ, biếng ăn hơn mọi khi... Khi trẻ lớn dần lên, biết đi, biết nói, có đầy đủ nhận thức thì cách phản đối sẽ đa dạng và “leo thang” hơn

- Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình, ví dụ như trẻ thích cái gì là phải đòi bằng được, nếu không thì dễ cáu gắt, khóc, ăn vạ - Ngang ngạnh: Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.

- Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó. Phần nào ta thấy dấu hiệu này có cả ở đợt khủng hoảng một tuổi như khi trẻ muốn bò trốn bố mẹ hay tự bước đi chập chững để lấy đồ mình thích... Khi lớn hơn một chút thì trẻ thích tự thay quần áo, tự xúc ăn, tự chọn mặc quần áo mà trẻ thích, muốn phụ giúp mẹ việc nhà, tự chọn đồ chơi, tự chọn sách mà trẻ thích… Trẻ thường nói “Con làm, con ăn…” mà không muốn có sự can thiệp hay giúp đỡ của người lớn.

- Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.

- Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ có thể sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh, luôn yêu cầu mọi người phải làm theo ý mình.

Khi đó nếu bố mẹ không nhận ra đây là thời kỳ khủng hoảng thì sẽ áp dụng cách giáo dục trẻ nghiêm khắc, quát mắng thậm chí la phạt trẻ. Hệ quả của việc này là trẻ càng có những phản ứng tiêu cực và dần xa lánh bố mẹ.

Tất cả những biểu hiện trên đều cho thấy trẻ đang muốn tách khỏi người lớn khẳng định cái tôi của mình, mặt khác trẻ muốn có quan hệ sâu rộng hơn với người lớn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, các bé chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột. Bên cạnh đó, ở tuổi này, do khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn. Và chính điều này gây ức chế, làm các bé dễ cáu bẳn và nổi khùng.

Bố mẹ có thể dựa vào các biểu hiện ở trên để nhận biết con mình có đang trong thời kỳ khủng hoảng không để có thể dạy con đúng cách. Bố mẹ hãy luôn ghi nhớ đó là giai đoạn tất yếu trẻ phải trải qua để trưởng thành và cha mẹ chính là người “lèo lái” đưa con mình vượt qua những thử thách tâm lý đầu đời một cách vui vẻ và an toàn nhé.

VIDEO GIỚI THIỆU

ĐĂNG KÝ THĂM QUAN TRƯỜNG

0968212327
0968212327