Những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc phát triển vốn từ vựng của trẻ?
Ngày đăng: 05/01/2024
Chúng ta đều biết rằng một vốn từ phong phú, dồi dào là nền tảng quan trọng nhất để con nhanh biết nói, giao tiếp tự tin và tiếp nhận kiến thức hiệu quả.
Trẻ có vốn từ nghèo nàn thường khó khăn trong việc biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình; trở nên nhút nhát, tự ti hoặc dễ cáu giận. Vốn từ ít ỏi cũng khiến trẻ không hiểu đúng và hiểu đủ lời người khác nói, dẫn đến khó khăn trong giao tiếp, học tập và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trí tuệ và tính cách sau này.
Vốn từ vựng của một người sẽ không ngừng tăng lên qua thời gian. Với một đứa trẻ chưa biết nói, con chỉ biết biểu đạt mọi mong muốn của mình qua tiếng khóc. Lớn hơn một chút, con đã biết ê a những từ đầu tiên, biết nói “bế” khi muốn được bế, biết kêu “đau”, biết nói “không”, biết gọi bố mẹ, ông bà. Khoảng 1,5 tuổi - 2 tuổi, con dần nói được nhiều hơn và cũng biết được nhiều từ mới hơn về các sự vật, sự việc xung quanh mình. Đây cũng là lúc khả năng học hỏi và ghi nhớ từ vựng của trẻ là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu không có môi trường để học nói và phát triển từ vựng; trẻ cũng sẽ không học thêm được từ mới, dẫn đến lười nói, chậm nói.
Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc phát triển vốn từ vựng của trẻ?
Đầu tiên phải kể đến chính là môi trường gia đình. Trẻ lớn lên trong bầu không khí ấm cúng, người thân thường xuyên trò chuyện vui vẻ thì cũng sẽ tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên, hình thành vốn từ phong phú. Tuy nhiên trong gia đình, trẻ có được người lớn trò chuyện và khuyến khích nói chuyện thường xuyên? Trẻ có được ông bà, bố mẹ nói chuyện về mọi sự vật, sự việc xung quanh; về cách diễn đạt các cảm xúc? Sự tương tác trực tiếp với mọi người chính là cách giúp trẻ tiếp thu từ vựng một cách nhanh nhất.
Với những trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo sẽ được tiếp cận với các phương pháp dạy từ vựng sớm và bài bản hơn. Cùng với việc tương tác với thầy cô giáo và bạn bè cùng trang lứa qua nhiều hoạt động ngoại khoá đa dạng chủ đề, trẻ không chỉ tăng trưởng được vốn từ, ham học nói mà còn được trau dồi thêm nhiều kiến thức mới về sự vật, hiện tượng xung quanh mình.
Thứ ba là trải nghiệm thực tế qua việc trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, với các môi trường khác nhau như chợ, siêu thị, nhà sách, công viên… Qua những trải nghiệm này, trẻ sẽ học được thêm nhiều từ vựng mới về các chủ đề gần gũi quanh mình, từ đó không chỉ nâng cao năng lực giao tiếp mà còn phát triển trí tuệ, tâm hồn.
Gia đình, lớp học và môi trường xã hội là yếu tố quan trọng trong việc phát triển vốn từ vựng cho trẻ. Hãy dành thời gian tương tác, nói chuyện và chơi cùng con thật nhiều để con học hỏi và phát triển tốt nhất nhé bố mẹ!